Khuyết tật tự nhiên của gỗ pallet: Mắt gỗ

04/07/2024 Admin

Baiviet26.1.1

Việc đọc tài liệu kỹ thuật giúp bạn hình dung khái quát về loại pallet gỗ mà bạn đang cần. Tuy nhiên, gỗ tự nhiên là một loại vật liệu đặc biệt, và hầu hết các thanh gỗ đều có khuyết tật. Làm quen với các loại khuyết tật khác nhau của gỗ giúp cho quá trình làm việc với nhà cung cấp pallet gỗ sẽ thuận lợi hơn. Bạn hãy cùng Pallet M&A tìm hiểu các khuyết tật tự nhiên của gỗ qua bài viết sau nhé.
Mục lục
Khuyết tật tự nhiên của gỗ pallet
Khuyết tật tự nhiên ở gỗ là gì?
Khuyết tật do cành, nhánh.

Lời kết

Khuyết tật tự nhiên ở gỗ là gì?

Khuyết tật tự nhiên là các hiện tượng không bình thường về cấu tạo bên trong của gỗ (như sự tồn tại của cành, nhánh, thớ nghiêng, thớ xoắn, thớ chun, hai tấm, u tích nhựa; và về hình dạng bên ngoài của thân cây như thân cong, thót ngọn, bạnh vè, thân dẹt) do các điều kiện hoàn cảnh như khí hậu, đất, ánh sáng hay đặc tính di truyền của loài cây, hoặc do sự tác dụng tổng hợp của cả hai nhân tố bên trong và bên ngoài mà tạo thành.

Khuyết tật do cành, nhánh.

Mắt gỗ (Knot) là phần gốc của cành hoặc nhánh sống hay chết tồn tại ở trên cây đang sinh trưởng được bọc lại trong thân cây. Mắt gỗ được phân chia thành nhiều loại như sau:

Theo hình dạng mặt cắt:

  • Mắt tròn: là mặt cắt của cành nhánh được cắt ngang trên mặt hàng gỗ xẻ, trục của mắt thẳng góc với mặt cắt dọc của gỗ xẻ.
  • Mắt bầu dục: là mặt cắt của cành nhánh được cắt vát trên mặt hành gỗ xẻ, trục của mắt và mặt cắt dọc của gỗ xẻ hợp thành một góc nhọn; góc càng nhọn tức cành cây, càng dốc đứng do đó là hình bầu dục càng dài và ngược lại.
  • Mắt hình nêm dài: là mặt cắt của cành nhánh được cắt dọc, trục của mắt song song hoặc gần song song với mặt cắt dọc gỗ xẻ.
  • Mắt phân nhánh: là mặt cắt của cành mọc theo hình vành khăn cùng một độ cao như nhau được cắt dọc, mặt cắt của gỗ xẻ song song với hai vành trên cả chiều dài của chúng. Do đó ta thấy hiện tượng mặt cắt của mắt thành hai hình dải dài hay hình nêm xếp đối diện với nhau ở trên mặt gỗ xẻ.

Theo chất lượng và kết cấu của mắt:

Baiviet26.2.1

  • Mắt sống (Sound/closed/tight/live knots): còn gọi là mắt lành, có phần gỗ của mắt và xung quanh không bị mục nát, vòng gỗ của mắt và xung quanh liên kết chặt chẽ với nhau thành một khối gỗ bình thường, có khi nhựa cây thấm vào phần gỗ mắt làm cho gỗ có màu sẫm và cứng như sừng, gây khó khăn khi cưa xẻ. Loại mắt bé (có Ф ≤ 5 mm) là những mắt do nhánh phụ hình thành nên không phát triển được, thường có đường kính mắt nhỏ hơn hoặc bằng 5mm, loại mắt này thường lành mạnh, ít khi bị hóa sừng hay mang màu.
  • Mắt chết (Unsound/loose/dead knots): là mặt cắt của loại cành đã chết và đã rụng khi cây còn sống, nhưng có lớp gỗ sống còn tiếp tục sinh trưởng, song không hoàn toàn phát triển cùng với cành đã chết đó và hình thành loại cành dính cứng từng phần. Trên bề mặt gỗ, mắt chết không liên hệ hoặc từng phần hoặc hoàn toàn với lớp gỗ xung quanh trên suốt phạm vi mặt cành. Mắt chết phân bố chủ yếu ở phần thân cây do tự tỉa cành trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Tùy theo tình trạng gỗ ở mắt chết mà phân thành mắt khỏe, mắt hóa sừng hay bị biến màu.
  • Mắt khỏe: là mắt không có một dấu hiệu mục nát nào, màu gỗ của mắt giống như màu gỗ xung quanh hay thẫm hơn một ít do bề rộng của vòng sinh trưởng ở gỗ mắt hẹp, và trên tiết diện cắt ngang vòng sinh trưởng của mắt mầm khác hướng với vòng sinh trưởng của gỗ thân thẳng bao bọc xung quanh.
  • Mắt hóa sừng: là mắt có phần gỗ khỏe bị thấm nhiều nhựa, ta-nin hoặc các chất khác, màu mắt gỗ thấm hơn màu gỗ xung quanh rất nhiều và có khi độ cứng cũng lớn hơn. Cấu tạo của mắt gỗ không hề có hiện tượng nấm mục.
  • Mắt biến màu: là mắt có giai đoạn đầu tiên của quá trình xâm nhập của nấm mục, nhưng lớp gỗ xung quanh vẫn lành mạnh. Trong giai đoạn này mắt vẫn còn giữ được cấu tạo và độ cứng của gỗ, nhưng từng chỗ hay trên cả phần mắt có hiện tượng biến đổi màu sắc do sự có mặt của nấm mục. Mắt có màu nhạt đi hay sẫm lại hoặc màu sặc sỡ. Ở những loài cây lá rộng không phân biệt giác lõi, loại mắt này thường có màu đen không đều.
    • Mắt rò: là mặt cắt của cành mà phẩm chất gỗ đã bị nấm hại, tuy còn cứng nhưng chu vi của mắt không có một sự liên kết nào với gỗ xung quanh, nên nó dễ bị rời ra ngoài.
    • Mắt mục: là mắt có lớp gỗ khỏe bao ngoài nhưng trong mắt ở tình trạng mục nát, ở trạng thái này mắt vẫn còn bảo tồn được hình dạng, nhưng gỗ của mắt từng phần hay hoàn toàn không giữ được cấu tạo ban đầu và phần lớn gỡ đã bị mềm. Màu gỗ của mắt thường khác nhau, đôi khi có nhiều vết đen hoặc trắng, trong mắt thường có những vùng bị tơi bở, có khi bị rời ra làm tấm gỗ bị thủng.
    • Mắt nát rữa: là mắt bị nấm mục hoàn toàn tách rời khỏi gỗ xung quanh và biến thành một khối màu nâu xám, nâu, hồng, màu sặc sỡ hay màu trắng đục, khi dùng tay bóp hay ấn ngón tay vào thì mắt sẽ lún sâu và nát vụn, hoặc dễ dàng cấu ra từng miếng một. Trong thân cây, mắt nát rữa thường đi liền với chỗ mục nát bên trong thân, và chính bản thân cành là biểu hiện bên ngoài của chỗ mục nát ấy.

Mắt gỗ có thể ảnh hưởng đến chất lượng và ngoại quan của gỗ, tuy nhiên nó không được xếp vào nhóm khuyết tật nghiêm trọng đối với pallet gỗ. Tùy vào yêu cầu mà tiêu chuẩn kỹ thuật có thể quy định số lượng và kích thước của từng loại mắt sống hoặc mắt chết có trong từng chi tiết. Trong đó, mắt chết ở gỗ thường có yêu cầu cao hơn do nó có ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của thanh ván.

Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.

Lời kết

Mắt gỗ là một khuyết tật gỗ phổ biến nhất đối với thanh gỗ dùng để đóng pallet. Nếu yêu cầu của thanh ván pallet càng hoàn hảo thì giá của pallet sẽ càng cao. Hy vọng bạn có thêm được một vài thông tin hữu ích để cân nhắc giữa yêu cầu và chi phí của công ty. Hãy cùng Pallet M&A tìm hiểu thêm về ngành nghề sản xuất pallet gỗ qua các bài viết tiếp theo nhé. Cám ơn sự ủng hộ từ bạn.

CÔNG TY TNHH PALLET M&A

VP: Số 06, Đường Phan Thị Sện, Tổ 7, ấp Bàu Điều, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại/Zalo: 0938395687 – Mr. Minh/ 0387667654 – Mrs. Quỳnh Anh
Email: anh.nguyenquynh86@gmail.com

Ý KIẾN PHẢN HỒI