Khuyết tật do cấu tạo gỗ

11/07/2024 Admin

 

Baiviet31.1.1

Những khuyết tật có liên quan tới sự cấu tạo khác thường của thân cây gỗ như: thớ xiên, thớ chun, thớ xoắn, gỗ giác bên trong, hai lõi, lệch tâm, vòng sinh trưởng rộng hẹp không đều, vòng sinh trưởng lượn sóng, tủy gỗ. Bạn hãy cùng Pallet M&A tìm hiểu các khuyết tật trên qua bài viết sau nhé.

Mục lục
Khuyết tật do cấu tạo gỗ
Thớ xiên.
Thớ chun.
Thớ uốn xoắn.
Gỗ giác bên trong.
Vết tủy.
Tủy gỗ.
Hai tâm.
Lệch tâm.
Lời kết

Thớ xiên.

Thớ xiên (trong gỗ tròn còn gọi là thớ vặn). Có trên tất cả các loài cây. Thớ xiên là do sự sắp xếp không bình thường của thớ gỗ trong cây gỗ nên vân gỗ bị xiên lệch. Trong gỗ tròn, thớ xiên thể hiện ra mặt ngoài là đường xoắn ốc. Trên mặt gỗ, xẻ thớ xiên thể hiện ra bên ngoài là đường xiên. Đối với cùng một loài gỗ, mức độ xiên của thớ ở phía trong cây gỗ và phía ngoài cây gỗ không giống nhau. Thớ xiên ở phía ngoài nhiều hơn ở phía trong, càng vào trong ruột cây gỗ, thớ xiên càng giảm. Đối với gỗ xẻ, nếu cây gỗ tròn bị xiên thớ thì xẻ ra các tấm gỗ bị xiên thớ. Ngoài ra nếu xẻ cây gỗ cong, cạnh khế, u bướu thì cũng cho gỗ xẻ bị xiên thớ. Nếu kỹ thuật, xẻ không tốt thì từ gỗ tròn thớ thẳng cũng xẻ ra những tấm gỗ bị xiên thớ. Gỗ dùng cho các công trình đặc biệt phải hạn chế độ xiên thớ đối với gỗ xẻ.

Phương pháp xác định thớ xiên: Đối với gỗ xẻ, thớ xiên được xác định bằng cách đo độ lệch của thớ gỗ so với trục thẳng trên 1m chiều dài của mặt hàng. Trên khúc gỗ tròn, thớ xiên được xác định bằng cách đo chiều cao độ lệch của thớ trong phạm vi 1m dài của mặt hàng so với đường kính mặt dầu phía trên của khúc gỗ.

Thớ chun.

Thường có trên loài cây lá rộng, ít có trên cây lá kim. Đó là sự khác thường có trong cấu tạo gỗ, thể hiện bằng sự phân bố thớ gỗ nhăn xoắn theo hình gợn sóng hay rối loạn thành hình búi lộn xộn.

Tùy theo đặc tính phân bố của thớ gỗ, người ta phân thành loại thớ nhăn xoắn từng lớp theo hình gợn sóng hay loại thớ rối loạn thành hình búi. Thớ chun có thể phân bố trong cả mặt hàng hay chỉ phân bố trong giới hạn từng phần của mặt hàng. Loại khuyết tật này thường có ở phần gốc thân cây gần với cổ rễ cây. Thớ chun cũng là một đặc trưng trong phần gỗ bạnh của thân cây.

Phương pháp xác định mức độ thớ chun là cách xác định sự phát triển của thớ chun toàn phần hay từng phần cục bộ trên mặt hàng gỗ. Trên tấm gỗ dán xác định mức độ khuyết tật này bằng cách đo chiều rộng vùng thớ chun bằng mm.

Thớ uốn xoắn.

Thớ uốn xoắn: thường có trên tất cả các loài cây.

Thớ uốn xoắn là những chỗ cong cục bộ của vòng sinh trưởng do ảnh hưởng của cành hay của nhánh phụ gây nên, khi cắt qua loại khuyết tật này ta thấy chỗ thớ bị uốn xoắn có những đường viền bị cắt chéo từng phần có hình dấu ngoặc uốn, hay ở dạng những đường viền khép kín đều do vòng sinh trưởng bị uốn tạo thành. Trên mặt hàng gỗ tròn có thể phát hiện thấy vùng thớ uốn xoắn ở những chỗ có u lồi cục bộ ngay trên bề mặt ngoài của gỗ, ở gỗ xẻ người ta phân chia thành loại thớ uốn xoắn một chiều tức là loại có vòng sinh trưởng chỉ cắt chéo một mép ván, và loại thớ uốn xoắn hai chiều tức là loại có vòng sinh trưởng ở trong vùng uốn xoắn bị cắt chéo ở cả hai mép ván. Ngoài ra, trong các loại thớ uốn xoắn người ta còn phân chia ra loại uốn xoắc điếc, tức là vùng uốn xoắn này chỉ nằm trên một mặt của mặt hàng hay ở mặt và ở mép của mặt hàng đó. Loại uốn xoắn thông là loại vùng uốn xoắn nằm ở cả hai mặt của mặt hàng (nói chung là nằm ở các mặt đối diện nhau). Tóm lại, người ta phân biệt các biến dạng của uốn xoắn thành:

  • Uốn xoắn điếc một chiều,
  • Uốn xoắn thông một chiều,
  • Uốn xoắn điếc hai chiều,
  • Uốn xoắn thông hai chiều.

Phương pháp xác định mức độ khuyết tật: trên tấm gỗ xẻ xác định trị số uốn xoắn bằng tỷ lệ phần trăm giữa chiều rộng lớn nhất của dải uốn xoắn có vòng sinh trưởng bị cắt chéo và chiều rộng chung của mặt hàng. Ngoài ra còn có thể xác định loại biến dạng, vị trí phân bố thớ uốn xoắn cũng như số lượng vùng thớ uốn xoắn trên một đơn vị chiều dài của mặt hàng. Trên tấm gỗ dán và gỗ lạng, thì xác định số lượng vùng có thớ uốn xoắn trên diện tích 1m² của tấm gỗ hay trên cả tấm gỗ đó. Đôi khi cho phép đo cả đường kính vùng cắt chéo thớ uốn xoắn, đo theo hướng ngang của thớ trên tấm gỗ tính theo mm.

Thớ uốn xoắn cho phép có xung quanh mặt hàng gỗ cành ngọn, do đó không tính khi xác định mức độ khuyết tật này.

Gỗ giác bên trong.

Thường có trên những loài cây có lõi.

Đây là hiện tượng một số vòng sinh trưởng ở phần gỗ lõi có màu sắc và tính chất giống như gỗ giác. Trên mặt đầu của mặt hàng gỗ tròn, khuyết tật này là một hay một vài vòng sáng nhạt đồng tâm, mỗi vòng có một vài vòng sinh trưởng. Vòng gỗ giác bên trong nằm ở giữa phần gỗ thành thục có màu sẫm hơn vòng gỗ giác này. Trên mặt cắt dọc theo chiều xuyên tâm hay nửa xuyên tâm, khuyết tật này là những dải đều đặn có màu sáng nhạt chạy dọc theo chiều dài mặt hàng. Trên mặt tiếp tuyến có dạng hình dải rộng hơn hay hẹp hơn nằm cùng với các vòng sinh trưởng.

Trong một số cây ở giai đoạn quá thành thục, phần gỗ giác bên trong thường bị nấm phá hoại và có màu sáng hoặc nâu sẫm.

Phương pháp xác định mức độ khuyết tật: Trước hết là quan sát xem có hay không có vết thương tổn do nấm gây ra ở dải gỗ giác bên trong.

Trong mặt hàng gỗ tròn, mức độ khuyết tật này được xác định bằng khoảng cách từ tủy gỗ đến vòng gỗ giác bên trong biểu thị bằng số phần so với bán kính mặt hàng, và bằng chiều rộng vòng gỗ giác tính theo đơn vị cm, hay bằng chiều rộng vùng ngoài của phần lõi không có khuyết tật này, và cũng tính theo đơn vị cm.

Trên mặt hàng gỗ xẻ, xác định mức độ khuyết tật này bằng chiều rộng lớp gỗ khác thường (tức lớp gỗ giác bên trong) tính theo đơn vị mm (hay theo số phần so với chiều rộng hoặc chiều dày mặt hàng).

Người ta còn phân biệt khuyết tật này thành loại có gỗ giác bên trong nằm ở một mặt hay ở hai mặt của mặt hàng.

Vết tủy.

Thường có trên một số loại gỗ cây lá rộng.

Vết tủy là loại khuyết tật do tổ chức tế bào mô mềm có tác dụng hàn gắn vết thương của tầng phát sinh khi bị các loại côn trùng Agromiza carbonaria, Agronyza pruinosa và Dendromyza betulae ăn hại. Trên mặt cắt ngang của gỗ, vết tủy thường có hình trăng khuyết màu sẫm hoặc màu sáng, nằm theo chiều tiếp tuyến thường dài từ 1,5 đến 3mm. Trên mặt cắt dọc, loại khuyết tật này thường có màu sẫm hoặc sáng, dài ngắn không nhất định.

Xác định mức độ khuyết tật trên mặt hàng gỗ xẻ: Trước hết là xem có hay không có vết tủy. Trên mặt cắt dọc của ván xẻ hoặc mặt gỗ dán, bề rộng của vết tủy tính bằng mm, chiều dài tính bằng mm hoặc cm.

Tủy gỗ.

Có trên tất cả các loài cây

Tủy là phần trung tâm của thân cây gỗ gồm có tổ chức tế bào mô mềm và phần lớp gỗ đầu tiên (gỗ sơ cấp) bao bọc lấy phần mô mềm này nhưng không thành một vòng khép kín. Trong mỗi thân cây đều có tủy cây, nhìn trên mặt cắt ngang của mặt hàng gỗ tròn, Loại khuyết tật này có hình tròn nhỏ, hình sao hay hình đa giác, ở giữa là màu sáng hoặc màu xám, mềm và các vòng sinh trưởng đồng tâm thì bao bọc xung quanh. Trên mặt cắt dọc đi qua tủy của thân cây gỗ, khuyết tật này có dạng hình dải màu sắc cũng như trên, và có chứa nhiều mầm cành nhỏ.

Xác định mức độ khuyết tật này là xem có hay không có những vết nứt xuyên tâm, vết nứt giữa tâm với vòng sinh trưởng có bên cạnh tủy gỗ và xác định chiều sâu phân bố của tủy gỗ trong mặt hàng đến mặt gần nhất hay mép gần nhất của mặt hàng. Bề rộng tủy tính theo đơn vị mm hay theo số phần so với chiều dày mặt hàng.

Hai tâm.

Có thể có trên tất cả các loài cây.

Là hiện tượng cùng tồn tại hai tâm (ít khi ba tâm hay nhiều hơn) trong một tiết diện cắt ngang của thân cây. Trên mặt cắt của dầu khúc gỗ tròn có hai tủy, ta thấy cùng với sự tồn tại của hai tủy có hai hệ thống vòng sinh trưởng của gỗ tập trung riêng biệt, và thưa dần về phía ngoài của thân cây rồi nhập thành một hệ thống chung của vòng sinh trưởng. Tiết diện ngang của thân cây có loại khuyết tật này thường không tròn mà có dạng hình bầu dục. Thông thường giữa hai tâm có một vùng gỗ chết được bọc kín.

Xác định mức độ khuyết tật trong mặt hàng gỗ tròn bằng khoảng cách giữa hai tâm tính theo đơn vị cm. Trong tâm gỗ xẻ xác định chiều dài của vùng gỗ có hai tâm bằng cm và xem có hay không có lớp gỗ chết ở giữa hai tâm.

Lệch tâm.

Có trên tất cả các loài cây

Là hiện tượng vòng sinh trưởng rộng hẹp không đều ở hai phía đối xứng qua tâm được thể hiện trên mặt cắt ngang của gỗ, khuyết tật này phần lớn do cây bị mọc nghiêng, hoặc mọc trên sườn núi dốc, thường thấy nhất là ở dạng lệch tâm tủy.

Gỗ lệch tâm thường có khối lượng thể tích lớn ở phía có vòng sinh trưởng hẹp và ngược lại. Từ đó có ảnh hưởng đến độ co rút, độ vênh vặn của gỗ.

Xác định mức độ khuyết tật trong mặt hàng gỗ tròn bằng cách đo khoảng cách từ tủy đến góc tọa độ trên mặt cắt ngang của gỗ.

Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.

Lời kết

Bài viết trên giới thiệu về khái niệm cũng như cách thức xác định mức độ nặng nhẹ của các khuyết tật do cấu tạo gỗ. Hy vọng bạn có thêm được một vài thông tin hữu ích cho công việc của mình. Hãy cùng Pallet M&A tìm hiểu thêm về ngành nghề sản xuất pallet gỗ qua các bài viết tiếp theo nhé. Cám ơn sự ủng hộ từ bạn.

CÔNG TY TNHH PALLET M&A

VP: Số 06, Đường Phan Thị Sện, Tổ 7, ấp Bàu Điều, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại/Zalo: 0938395687 – Mr. Minh/ 0387667654 – Mrs. Quỳnh Anh
Email: anh.nguyenquynh86@gmail.com

Ý KIẾN PHẢN HỒI