Khuyết tật tự nhiên của gỗ pallet – Nấm

08/07/2024 Admin

Baiviet28.1.1

Các loại nấm có thể phá hại gỗ cây, gỗ khúc, gỗ xẻ và gỗ đã được đem sử dụng, gây ảnh hưởng nhiều hoặc ít đến phẩm chất của gỗ. Bạn hãy cùng Pallet M&A tìm hiểu thêm về các khuyết tật tự nhiên của gỗ do nấm gây nên qua bài viết sau nhé.
Mục lục
Khuyết tật tự nhiên của gỗ pallet
Gỗ biến màu và mục nát bên trong.
Gỗ biến màu và mục nát bên ngoài.
Lời kết

Hiện tượng gỗ biến màu và mục nát đều do nấm xâm nhập vào gỗ gây nên. Thông thường, gỗ bị biến màu trong giai đoạn tấn công đầu tiên của nấm, khi chúng tiếp tục phá hại thì cấu tạo gỗ bị thay đổi dần và tiến tới bị phá hủy hoàn toàn. Trong một số trường hợp, sự biến màu là một loại bệnh riêng (do một vài loài nấm chỉ gây nên biến màu mà không hủy hoại gỗ), hoặc không phải do sự xâm nhập của nấm (do tác động của các nhân tố hóa học vào các tế bào sống của cây, hay vào các chất có trong tế bào gỗ đã chết).

Tùy theo vị trí mà phân biệt sự biến màu hay mục nát xuất hiện từ bên trong (phần trong hoặc lõi gỗ) hay từ bên ngoài (phần giác và bề mặt của gỗ).

Gỗ biến màu và mục nát bên trong.

Hiện tượng này thường chỉ xuất hiện ở cây đang sinh trưởng (cây lá kim hay cây lá rộng, có lõi). Đôi khi nấm cũng tiếp tục phát triển ở những cây đã chặt hạ (tốc độ biến màu và mục nát rất chậm), và chỉ trong điều kiện khi gỗ bị để lâu trong môi trường có độ ẩm cao.

  • Gỗ biến màu bên trong: có trên các loài cây lá kim và cây lá rộng có lõi, là sự biến màu từng phần trong vùng lõi hay trong vùng gỗ thành thục do hoạt động của nấm hoặc do tác dụng của các nhân tố hóa lý gây nên. Chỗ biến màu thường có nhiều hình thù và màu sắc khác nhau: đỏ, trắng, xám, đen, nâu… Phần lớn hiện tượng này diễn ra trong thời gian sinh trưởng của cây, hoặc trong quá trình tồn tại của cây sau khi đã được chặt hạ mà chưa được đem gia công chế biến. Gỗ biến màu thường vẫn có cấu tạo gỗ như gỗ bình thường và vẫn giữ được độ cứng sẵn có của nó (hiện tượng này xảy ra đối với những loài cây có nhựa như gụ, máu chó ….). Nếu do nguyên nhân nấm làm biến màu gỗ thì khu vực biến màu thường là giai đoạn đầu tiên của quá trình mục nát.
  • Đốm màu: là những chỗ biến màu cục bộ phát sinh trong thời gian sinh trưởng của cây do ảnh hưởng của các nhân tố hóa lý hay do tác dụng của nấm gây ra. Vùng gỗ đốm màu thường có màu nâu xám, thẫm hoặc có khi nâu đen, vẫn có cấu tạo và độ cứng của gỗ như vùng gỗ lành mạnh.
  • Lõi giả: hay gặp ở loài cây lá rộng không lõi, là vùng gỗ có màu thẫm khác thường (có màu xám, nâu xám, đỏ hung, có khi là màu tím nhạt, xanh thẫm hay màu trắng, sáng, có hình thù đa dạng) ở phần giữa thân cây đang sinh trưởng, giống như lõi thật, nhưng thực chất thì không giống (trám trắng…). Lõi giả phát sinh là do không khí, độ ẩm và nấm xâm nhập vào thân cây qua cành cây gãy (ít khi vào qua vết thương trên thân). Nguyên nhân cơ bản hình thành lõi giả là do các loại nấm màu và nấm hủy hoại gỗ gây nên. Người ta phân biệt lõi giả thành loại bị mục rữa (chỗ có màu trắng và có những đường mỏng uốn khúc đen) và không bị mục (loại đơn giản: có màu đồng nhất, trên mặt cắt ngang khúc gỗ có dạng hình tròn, có đường viền màu thẫm bao bọc xung quanh và loại phân đoạn: một số đoạn kế cận nhau, mỗi đoạn có đường viền màu thẫm bao bọc xung quanh).
  • Mục nát bên trong: thường có trên tất cả các loài cây. Mục nát bên trong là giai đoạn cuối cùng của vết thương tổn gỗ trong cây đang sinh trưởng do nấm hủy hoại gỗ gây nên. Trong giai đoạn này cấu tạo bình thường của gỗ bị phá hỏng, độ cứng của gỗ giảm đi rất nhiều. Chỗ mục nát bên trong cũng có thể do nhiều nguyên nhân hỗn hợp gây ra như do quá trình hóa lý, do hoạt động của nấm, vi khuẩn. Trên mặt cắt ngang thân cây, chỗ mục nát thường ở vị trí giữa thân, có khi nó nằm một bên thân, thậm chí còn nằm cả vùng ngoài của thân cây. Giai đoạn đầu tiên của mục nát bên trong là sự biến màu bên trong và sự xuất hiện lõi giả (chỗ mục nát trong vùng lõi giả xuất hiện thường do có cành gãy lâu không phát triển, hay do vết thương hở trống lâu ngày trên thân cây, và trong trường hợp ngược lại thì nấm tồn tại rất khó khăn và chỗ mục nát không phát triển được). Theo dạng phá hủy gỗ, ta có thể phân chia chỗ mục nát bên trong thành loại mục nát tổ ong, mục nát tơi bở, mục nát trắng, mục nát nâu đen. Trường hợp tổn thương nặng nhất là cây bị rỗng ruột, và tùy theo vị trí phân bố mục nát trong thân chia thành mục nát ở gốc và ở thân cây.

Gỗ biến màu và mục nát bên ngoài.

Hiện tượng gỗ biến màu và mục nát ở phần ngoài thường xuất hiện sau khi cây đã chặt hạ, trong lúc chưa bảo quản cây vẫn còn nhựa sống trong gỗ. Sau khi gỗ khô, sự phát triển của nấm gây biến màu và mục nát ở phần gỗ giác cùng ngưng lại khi gỗ được hong phơi hay sấy nhân tạo ở nhiệt độ cao (trên dưới 80oC) thì các loại nấm gây biến màu và mục nát cũng bị chết.

  • Màu hóa học: có trên tất cả các loại cây gỗ. Màu hóa học là màu khác thường, có những sắc thái khác nhau ở trên mặt gỗ mới gia công hay gỗ xẻ. Màu vàng hợp kim phát sinh do sự thay đổi hóa học của nhựa cây trong tế bào sống của gỗ khi bị thiếu oxy trong quá trình ngâm nước (thường ở cây lá kim). Màu đỏ nâu thẫm là do sự tích tụ của tanin gây ra trên các lớp bề mặt gỗ có khi đều, có khi thành từng vệt không đều. Đốm màu đen phát sinh do gỗ hút nước có sắt hoặc muối sắt. Phân biệt đốm màu đen hóa học với đốm màu đen do nấm gây ra bằng cách cho dung dịch sulfo-cyanua kali (SO4CNK) vào đốm đen thì sẽ đổi thành màu đỏ tươi, nêu như đốm màu do nấm gây ra thì nó sẽ không bị biến màu.
  • Biến màu do nấm: có trên tất cả các loài cây. Cây gỗ đã chặt hạ mà bản thân cây gỗ lâu khô ở phần gỗ giác (ở cây có phân biệt giác lõi) hoặc ở phần gỗ ngoài (cây không phân biệt giác lõi) xuất hiện màu sắc khác thường do sự hoạt động của các loại nấm gây ra, trong đó có loại nấm không gây ra mục nát mà chỉ làm gỗ bị mốc và biến thành nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng cũng có loại nấm phát triển, qua giai đoạn biến màu thành vùng gỗ mục nát làm gỗ mềm rữa rất rõ ở phần giác (hay phần gỗ phía ngoài của khúc gỗ).
  • Mục nát ở gỗ giác: có trên tất cả các loài cây có lõi giác phân biệt, nằm ở phần gỗ giác gồm những vòng phía ngoài của gỗ có màu sắc thay đổi và cấu tạo của gỗ bị hủy hoại. Gỗ bị mục nát thường có màu xám trắng, xanh nhạt sắc hồng hay trắng bợt. Cấu tạo của phần gỗ bị thương tổn không đồng đều (kiểu tổ ong hay dải sợi nên khi ép hay bóp nhẹ gỗ sẽ dễ tách thành những thỏi mịn khác nhau).

Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.

Lời kết

Bài viết trên giới thiệu một số khuyết tật của gỗ tự nhiên do nấm gây ra. Hy vọng bạn có thêm được một vài thông tin hữu ích cho công việc. Hãy cùng Pallet M&A tìm hiểu thêm về ngành nghề sản xuất pallet gỗ qua các bài viết tiếp theo nhé. Cám ơn sự ủng hộ từ bạn.

CÔNG TY TNHH PALLET M&A

VP: Số 06, Đường Phan Thị Sện, Tổ 7, ấp Bàu Điều, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại/Zalo: 0938395687 – Mr. Minh/ 0387667654 – Mrs. Quỳnh Anh
Email: anh.nguyenquynh86@gmail.com

Ý KIẾN PHẢN HỒI